Đám cưới hỏi cổ truyền ở Hà Nội

Hôn nhân vốn được coi là một sự việc trọng đại của đời người. Chịu ảnh hưởng của lễ giáo phong kiến xưa, việc trai lấy vợ (thú), gái lấy chồng (giá) là do cha mẹ quyết định bởi lẽ mục đích chính của hôn nhân là để sinh con đẻ cái, đặc biệt là sinh con trai để “nối dõi tông đường”. 

Nói chung, với quan niệm như thế, vấn đề việc “trai gái tìm hiểu nhau”, tình yêu của đôi lứa không được đặt ra. Nhưng, một số vấn đề thực ra chỉ là rất phụ, là thứ yếu, thì lại được đặc biệt coi trọng, như vấn đề “môn đăng hộ đối”, vấn đề “hợp tuổi”… Chính vì vậy, nhiều cuộc hôn nhân thời trước đã là nguyên nhân tạo ra nhiều tấn bị kịch, gia đình, hay chí ít cũng là sự “trục trặc không ăn khớp” về nhiều mặt mà câu ca dao sau đây đã nói lên một phần nào một cách chua chát:

...Bây giờ biết nói làm sao
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng.

** Các lễ thức

Sách Lĩnh Nam chích quái ở ở lời Tựa của Vũ Quỳnh còn ghi: (Đời Hồng Bàng) “Đồ sính lễ quí nhất nước Nam không gì bằng trầu cau”. Đến chuyện đầu tiên của bộ sách - là Truyện họ Hồng Bàng - thì có ghi cụ thể thêm: “Khi chưa có trầu cau, việc hôn thú giữa nam nữ lấy gói đất làm đầu, sau đó mới giết trâu dê làm đồ lễ, lấy cơm nếp để nhập phòng cùng ăn, sau đó mới thành thân”.

Sau khi có giao lưu với Trung Quốc, các gia đình giàu có đã thực hiện lục lễ (sáu lễ) do Chu Công quy định: Nạp thái (nhà trai đưa lễ vật) - Vấn danh (nhà trai đưa lễ vật kèm một tờ thư xin biết cụ thể tên tuổi ngày sinh của cô dâu tương lai) - Nạp cốt (nhà trai báo là đã bói được quẻ tốt lành) - Thỉnh kỳ (nhà trai đề xuất ngày cưới) - Nạp tệ (nhà trai đưa lễ vật xin cưới) - Thân nghinh (đón dâu).

Cách rách, rườm rà nên dân gian đơn giản hoá đi. Đến nay thông thường trong việc cưới xin ở Hà Nội chỉ có ba lễ: 1) Chạm ngõ; 2) Ăn hỏi; 3) Lễ cưới.


a/Lễ chạm ngõ (chạm mặt): 

Nhà trai đưa lễ vật đến nhà gái, thường có trầu cau, rượu, trà để ước hẹn với nhau sẽ cho đôi trai gái nên vợ nên chồng. Nhà gái đem lễ vật cúng gia tiên rồi chia biếu họ hàng.

Từ lễ chạm ngõ cho tới lễ ăn hỏi, thời gian dài ngắn bao nhiêu không có hạn định rõ ràng. Thậm chí có khi làm lễ chạm ngõ rồi mà vì lí do nào đó không thể tiếp tục các bước tiếp theo nữa thì hôn ước coi như bị xoá bỏ. Vì thế mà ngày xưa đã có câu “cơi trầu chạm ngõ là trầu bỏ đi”.

b/Lễ ăn hỏi

Nhà trai đưa lễ vật đến nhà gái để xin xác định ngày làm lễ thành hôn cho đôi trẻ. Lễ vật ngày trước chủ yếu chỉ có cau, rượu, trà. Với các gia đình khá giả thì thêm mứt sen, bánh cốm. Bây giờ thì nhiều nhà đưa thêm cả rượu ngoại, thuốc lá ngoại, kẹo bánh… Lễ vật đặt trong những quả sơn son, phủ lụa điều. Nhà gái tiếp nhận lễ vật để bày cúng gia tiên, có bớt lại một phần trao cho nhà trai (gọi là lại quả), còn bao nhiêu thì sẽ đem chia cho bạn bè, thân tộc, gọi là “chia giầu” (trầu) một hình thức báo hỉ. Phần đem chia này ngày trước gồm một nhánh cau, trầu dăm lá, một bình hoặc một gói trà, một chiếc bánh cốm, một chiếc bánh xu - xê.


Nay thì rút xuống 1 quả cau, 1 lá trầu, 1 nhúm chè, bánh cốm hoặc xu-xê (khuôn khổ có thu nhỏ), coi như biểu tượng vậy thôi. Kèm theo các phần chia này nay có thêm thiếp mời dự lễ cưới hoặc thiếp báo hỉ (báo tin vui của gia đình có con gái lấy chồng). Thế là các nhà được mời liền chuẩn bị các quà để mừng. Lễ cưới: đối với nhà trai, đây là lễ đón dâu. Với nhà gái đây là lễ đưa dâu.

c/Lễ cưới

Trước giờ đón dâu, một lễ thức có từ xa xưa nay vẫn được thực hiện một cách tượng trưng: nhà trai mà đại diện là một phụ nữ đứng tuổi cùng vài ba bà khác đem cơi trầu, trong đó có đặt một tờ giấy bạc mới, đến xin dâu. Sau đó, chú rể cùng các bậc huynh trưởng và bạn phù rể đúng giờ đã chọn, đến nhà gái đón dâu.

Cô dâu (cùng chú rể) làm lễ trước bàn thờ gia tiên, vái chào bố mẹ, tạm biệt Anh chị em trong nhà rồi về nhà chồng. Cùng đi với cô dâu còn có bạn phù dâu. Ngay ở Hà Nội, cho tới đầu thế kỷ XX, tất cả đám đưa dâu đều đi bộ. Nếu đường đi quá xa thì cô dâu được ngồi võng.

Chỉ từ những năm 1900 trở đi, các nhà khá giả đón dâu bằng xe tay (người kéo), giàu hơn thì là xe song mã (hai ngựa kéo) và có đám đón dâu bằng ô-tô, có kết hoa trắng muốt, với những tua lụa nhiều màu, dù hai nhà cách nhau có một dãy phố (trường hợp ở quá gần thì xe chạy vòng vèo diễu qua nhiều phố rồi quay lại).

Dịp đó, cả nhà trai, nhà gái đều làm cỗ cúng gia tiên và mời bà con họ hàng, bạn bè thân hữu đến chia vui với gia đình. Nhà nào mời khách riêng của nhà ấy.

Những năm sau 1954, có phong tục “cưới đời sống mới”. Ngoài cỗ mặn vài mâm ở gia đình, có tiệc trà tiệc ngọt tổ chức ở một hội trường sau có phòng cưới cho thuê. Cô dâu chú rể từ nhà gái đến thẳng nơi đây. Khách dự là bà con hai họ và đại diện các cơ quan đoàn thể nơi cô dâu chú rể làm việc hay cư trú. Đồ mừng đa số là vật dụng cho một gia đình mới: nồi, soong, phích, mâm, chậu, bát đĩa, bộ đồ trà… Ăn kẹo, hút thuốc, uống trà, nghe “văn nghệ”… Khi kết thúc, cô dâu theo chú rể về nhà chồng, làm lễ gia tiên và thế là hoàn tất.

Nay thì do xã hội giàu lên, “cưới đời sống mới” bị loại bỏ. Ăn mặn tràn lan, cỗ đám cưới tới trên 150 mâm (6 người).

Người đi ăn cưới không mừng nồi, soong… nữa mà là “phong bì” trong có tiền. Tiền nhiều hay ít là tuỳ quan hệ. Có người công chức vào mùa cưới, trong một tháng hết trọn khoản tiền lương mới lĩnh vào các vụ mừng cưới như vậy.

Hiện nay thành phố đang có cuộc vận động “cưới trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm” để thanh lịch hoá trở lại việc cưới.

d/Lễ tơ hồng

Trong những đám cưới cổ ở Hà Nội cũ trước khi cô dâu chú rể làm lễ gia tiên còn có tục tế tơ hồng. Bàn thờ tế tơ hồng thường đặt ngoài trời và do chú rể cô dâu cùng đứng làm chủ tế. Văn tế tơ hồng được viết sẵn theo mẫu trên giấy hồng điều. Tế xong không đốt mà nhúng vào rượu. Tục tế tơ hồng vốn bắt nguồn từ một câu chuyện ngày xưa bên Trung Quốc: có người tên là Vi Cố, đêm trăng nọ gặp một cụ già một tay cầm cuốn sách, tay kia cầm những sợi chỉ đỏ. Vi Cố lấy làm lạ, hỏi chuyện. Cụ già nói: ta là ông già dưới trăng (Nguyệt hạ lão nhân, gọi tắt là Nguyệt lão), chuyên dùng chỉ đỏ buộc chân những người sẽ làm vợ chồng lại với nhau, theo từng cặp từng cặp đã ghi sẵn trong cuốn sách này. Tế tơ hồng là làm lễ tạ ơn Nguyệt lão để xe duyên cho nên vợ nên chồng.

e/Lễ động phòng

Ngoài lễ tơ hồng, còn một nghi thức nữa cũng khá xa lạ với ngày nay, đó là lễ động phòng. Đêm tân hôn, trong phòng riêng, chú rể rót một chén rượu, mời cô dâu uống một nửa, mình uống một nửa, gọi là hợp cẩn, để tỏ tình thân, lại vái nhau để tỏ lòng tôn trọng, gọi là giao bái, rồi chú rể tự tay gỡ bỏ những đồ trang sức trên đầu cô dâu… Từ đó, đôi trai gái thực sự bước vào đời sống vợ chồng.

Ngày nay chẳng còn đám cưới nào còn hai lễ tơ hồng và động phòng nữa. Có lẽ do nhịp điệu của cuộc sống công nghiệp khẩn trương hơn xưa nhiều.

f/Lễ lại mặt

Sau đám cưới ba ngày, sang ngày thứ tư, nhà trai sắm sửa cau, rượu, xôi, gà… cho đôi vợ chồng mới đưa sang nhà gái để làm lễ cúng gia tiên. Đó là lễ lại mặt.

Ngày nay, thường ngay hôm sau ngày cưới, đôi vợ chồng trẻ đã đưa nhau về bên nhà vợ, làm lễ cúng gia tiên rồi bày cỗ ăn mừng. Đó cũng là lễ lại mặt thường gọi là nhị hỉ.

Ở Hà Nội có không ít gia đình theo Ki-tô giáo. Trong phong tục cưới xin, ngoài việc chạm ngõ, ăn hỏi, đón dâu là theo phong tục truyền thống còn nghi lễ làm phép cưới thì khác bên lương. Phong tục lễ cưới của đồng bào Ki-tô giáo hoàn toàn theo sách Mục vụ do Hội đồng Giám mục ban bố, áp dụng trong cả nước. Vì vậy ở bất cứ địa phương nào phép cưới cũng tiến hành như nhau. Song không phải người Hà Nội ai cũng hiểu nghi thức lễ cưới bên Ki-tô giáo nên chúng tôi mô thuật trên đại thể như sau:

Lễ cưới của người theo Ki-tô giáo được tổ chức ở nhà thờ. Theo quan niệm của tôn giáo này, lễ cưới là để tình yêu của đôi lứa được Chúa công nhận trước đại diện Hội Thánh và Cộng đoàn (tức cộng đồng bà con giáo dân). Chính nghi thức này cùng những bí tích (thần lực huyền bí) khiến đôi lứa đảm nhận mức tốt nhất trách nhiệm của hôn nhân.
Ngày lễ cưới, nhà thờ được trang hoàng lộng lẫy. Đèn, nến rực sáng, hoa hồng trắng, hoa hồng phớt khắp nơi. Trước khi bắt đầu thánh lễ, chủ tế (vị linh mục) sẽ đón cô dâu chú rể tại bàn thờ Chúa. Cùng lúc đó là tiếng chuông, những lời ca, tiếng hát vang lên chúc mừng cho đôi lứa.

Bên ban thờ, ngoài vị chủ tế và cô dâu chú rể, còn có hai người làm chứng (rằng cô dâu và chú rể chưa hề có vợ có chồng). Bắt đầu làm thánh lễ, vị chủ tế đọc các đoạn trích trong Kinh thánh, hết thảy cộng đoàn xướng theo. Rồi theo nội dung bài phúc âm trích trong Tân ước, chủ tế sẽ giảng về đạo làm vợ, làm chồng, về tình yêu thương đối với con cái sau này…

Tiếp đến phần chính của hôn lễ, chủ tế sẽ hỏi và cô dâu chú rể đáp xoay quanh chủ điểm: cô dâu chú rể có tự nguyện kết hôn không, có sẵn sàng yêu thương nhau suốt đời không, có đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban cho…

Sau đó chủ tế bảo cô dâu chú rể hãy cầm lấy tay nhau và nói lên sự ưng thuận trước Chúa cùng Hội Thánh và trao nhẫn cho nhau. Cuối cùng, họ và người làm chứng kí vào cuốn sổ vàng của nhà thờ. Từ đây khởi đầu một gia đình mới.
Theo hanoivanhien.com
Bình luận bạn đọc
  • Facebook Chỉ chấp nhận bình luận Tiếng Việt có dấu

Không có nhận xét nào :


Tiêu điểm

Thời Sự