Tổng quan về truyền hình 3D

Truyền hình 3D là gì? Truyền hình hiện nay ta đang xem là truyền hình 2D, hình ảnh chỉ có 2 chiều là chiều rộng và chiều cao. Truyền hình 3D lợi dụng những đặc điểm sinh học của mắt và não trong thị giác đã sáng tạo ra công nghệ và thiết bị mới để giúp sự cảm nhận vật thể khách quan theo cả chiều sâu.


Màn hình TV 3D thực chất là một màn hình 2D trên đó xuất hiện đồng thời 2 ảnh của cùng một cảnh, một dành cho mắt phải và ảnh kia dành cho mắt trái. Khi không đeo một loại kính đặc biệt, bằng mắt thường ta sẽ thấy trên màn hình cùng một vật thể có 2 ảnh giống nhau, nhưng ảnh không lệch sang trái (hay phải) một chút so với ảnh kia. Đeo kính vào, sẽ thấy chỉ còn là một ảnh trong không gian 3 chiều (ảnh nổi). Hiệu ứng đó gọi là ảo giác lập thể (stereopsis). Hai mắt của người đã trưởng thành cách nhau khoảng 6,3cm, do đó cùng một vật thể mỗi mắt nhín theo một góc hơi khác nhau. 

Hai hình ảnh trên màn hình TV 3D cũng được quay theo 2 góc hơi khác nhau, nhưng thông qua kính đặc biệt, 2 ảnh được tổng hợp lại trong não thành một và tạo ra ảo giác có chiều sâu. Công nghệ truyền hình 3D ngày nay khác hẳn công nghệ anaglyph. Công nghệ cũ dùng kính có một mắt kính màu đỏ, mắt kính kia màu lam - lục (cyan) để tổng hợp hai ảnh màu giả (false color). Kết quả là não sẽ nhận thức được một ảnh nổi không màu và có độ nét kém. Truyền hình 3D ngày nay dùng mắt kính động bằng tinh thể lỏng, có thể tuần tự che mắt bên này mở mắt bên kia theo tần số 120 lần/sec. Kính có mạch điện và pin (sạc lại được sau thời gian dùng > 80 giờ), để được đồng bộ với màn hình thông qua kết nối Bluetooth. 

Với công nghệ ngày nay, nói đến TH 3D phải hiểu đó là truyền hình màu, độ nét cao, trong không gian 3 chiều. Công nghệ TH 3D và điện ảnh 3D cũng có vài điểm khác nhau. Màn ảnh điện ảnh 3D rộng, không cần khán giả phải tập trung ở một khu vực xem tối ưu, và không cần kính có cực hóa động.

Truyền hình nổi 3D được trình diễn lần đầu tiên vào ngày 10 tháng 8 năm 1928, do John Logie Baird thực hiện trong nhà xưởng của công ty mình tại 133 Long Acre, London. Baird đi tiên phong trong một loạt các hệ thống truyền hình 3D bằng cách sử dụng các kỹ thuật ống cơ điện và ống catốt. TV 3D đầu tiên được sản xuất vào năm 1935. Sự ra đời của truyền hình kỹ thuật số trong những năm 2000 cải thiện rất nhiều đối với TV 3D.


Mặc dù TV 3D khá phổ biến để xem phương tiện truyền thông 3D tại nhà như trên đĩa Blu-ray, các chương trình truyền hình 3D hầu hết thất bại trong việc đến với cộng đồng. Nhiều kênh truyền hình 3D bắt đầu vào đầu những năm 2010 đã bị đóng cửa vào giữa những năm 2010.

Khác với HD, người dùng Việt Nam vẫn khát khao nội dung 3D trên truyền hình. Công nghệ mới đã xuất hiện trong nước từ cuối 2010 và vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.

VTC là đài duy nhất phát thử nghiệm công nghệ này. Trong khi các đài lớn khác như Truyền hình Việt Nam vẫn chưa có kế hoạch lên sóng. Mỗi tuần, người dùng chỉ có thể xem vào tối thủ nhật trên kênh sóng HD. "Chất lượng hình ảnh khá tốt, tôi nghĩ có thể đáp ứng được cho nhu cầu người xem", một thành viên trên diễn đàn HD Việt Nam từng xem qua chương trình của VTC cho biết.

Truyền hình 3D của VTC đã được phát thử nghiệm từ cuối năm 2010. Ông Lê Anh Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ - Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC cho biết, đài chủ yếu phát phim và các nội dung 3D từ nước ngoài.

Theo ông Dũng, truyền hình 3D cơ bản gồm nội dung và thiết bị thu xem. Về nội dung, VTC đã đầu tư và tự làm giá gắn để ghép 2 camera vào quay 3D, giá được điều khiển tự động, nhưng vận hành khá phức tạp và khó. "Không chỉ đầu tư tốn kém, thời gian sản xuất một chương trình 3D gấp nhiều lần so với 2D thông thường", ông Dũng cho biết.

Trong khi đó, để xem chuẩn này, người dùng phải có TV 3D, kính và bộ giải mã set top box 3D. Đài truyền hình này cũng khẳng định đã có thể làm chủ được công nghệ truyền hình 3D như quay, dựng và phát.

Ông Trần Việt Anh, quản trị diễn đàn HD Việt Nam, cho biết từ 2009 đã có đài phát thử nghiệm 3D xem được với bất kỳ TV (dùng kính 3D xanh đỏ), đến nay có TV 3D thì đài phát dạng side by side (dùng chức năng chập hình của tivi 3D) cho ra hình ảnh 3 chiều. "Trong tương lai, truyền hình phát dạng side by side sẽ phát triển, bây giờ cơ sở hạ tầng để phát truyền hình 3D đã đáp ứng được và người xem vẫn dành quan tâm lớn cho công nghệ này", ông Anh nói.

Trong năm 2010 và 2011, thị trường TV chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của dòng TV hỗ trợ chuẩn 3D. Samsung, Sony, LG hay Panasonic đều giới thiệu các model giá cao, đến sản phẩm trên dưới 20 triệu, cho phép xem hình ảnh nổi 3 chiều. Anh Hồ Hải Anh, quản lý một siêu thị điện máy tại quận 1, TP HCM cho biết, người mua TV 3D vẫn chỉ xem nội dung qua đầu phát. "Truyền hình 3D đã có thử nghiệm, tuy nhiên nó vẫn xa lạ với phần đông người dùng", anh Hải Anh cho biết.

Theo một chuyên gia công nghệ thì do hạn chế về băng thông, đường truyền nên độ phân giải, tính năng kỹ thuật của truyền hình 3D chắc chắn không thể đạt hiệu ứng cao nhất như xem 3D Bluray. Mặt khác, việc mua bản quyền những chương trình 3D hay nội dung truyền hình 3D cũng là một vấn đề lớn đối với các đài muốn nhảy chân vào lĩnh vực này, như hiện nay, kể cả nội dung HD trên truyền hình cũng chưa nhiều để phục vụ người xem.

"Người dùng có thể vẫn phải chờ đợi lâu để có các kênh phát 3D như ở nước ngoài. Trong khi đó, thiết bị đầu cuối tại Việt Nam đã sẵn sàng", anh Hồ Hải Anh nhận định.
Tổng hợp.
Bình luận bạn đọc
  • Facebook Chỉ chấp nhận bình luận Tiếng Việt có dấu

Không có nhận xét nào :


Tiêu điểm

Thời Sự