Khám phá ẩm thực Tây Nguyên

Cứ nhắc đến Tây Nguyên chúng ta lại không khỏi nhớ đến tiếng cồng, chiêng, những điệu múa quanh lửa trại, nhớ đến du lịch trên lưng voi hay những bản làng, bản xóm... Nhưng chúng ta lại quên mất một điều, rằng nơi đây còn có những món ăn ngon, lạ, độc đáo mà bất cứ ai qua đây đều cần được nếm thử. Sau đây chúng tôi xin được giới thiệu đến các bạn những đặc sản của Tây Nguyên nhé.

1. Gỏi lá độc đáo ở Kom Tum

Đến Kon Tum mà chưa ăn gỏi lá thì coi như chưa đến. Quả đúng như tên gọi, món gỏi lá này toàn… lá. Chỉ một món ăn mà bày kín mâm, bởi gỏi lá “đúng chất” có tới 40-50 loại, từ các loại rau quen thuộc như: lá cải, tía tô, đinh lăng, lá sung, lá mơ, hành, rau húng… đến các loại lá ít xuất hiện trong bữa ăn như: lá xoài, lá ổi, lá chua, lá chùm ruột, ngũ gia bì… và rất nhiều loại lá là riêng biệt của Tây Nguyên mà tôi không biết hết tên.

Giữa “mâm lá” là đĩa thức ăn ăn kèm. Thịt ba chỉ luộc, thái mỏng sao cho mỡ và thịt vừa đủ, không quá ngấy. Vài lát cá chép, tôm luộc, bì lợn. Đặc biệt có thêm đĩa tiêu nguyên hạt, muối hạt.


Thứ đặc biệt và kỳ công nhất của món gỏi lá này là nước chấm, mới nhìn qua như cháo đặc có màu vàng nghệ. Gạo nếp lên men, có mùi thơm dậy thì đem ủ với tôm khô, thị ba chỉ, sau đó xay nhuyễn. Chảo dầu nóng trên bếp, phi hành khô thật thơm rồi cho hỗn hợp trên vào, cho thêm mẻ, sa tế, gia vị và đảo đều tay, đun lửa liu riu. Thứ gia vị này không được nếm, mà người nấu phải dựa vào mùi bốc lên để biết được rằng, tất cả các thứ trong chảo đã chín đến độ, tạo được mùi vị thơm ngon nhất để múc ra bát.

Thưởng thức món này cũng cần có kiểu cách, không vội vã “vơ” hết các lá mà phải theo đúng quy trình. Trước tiên lấy lá cải hoặc lá mơ làm lá cuốn, sau đó cho thêm lá chua và vài lá khác tùy lựa chọn của người ăn, cuốn thành cái phễu nhỏ, bỏ miếng thịt ba chỉ, tôm, bì lợn… vào trong “phễu”, nhất định phải cho thêm hạt tiêu và hạt muối, một chút nước chấm. Mỗi lần cuốn lá là những loại lá khác nhau, tạo nên những hương vị khác nhau, khi thì chua chua lá xoài, khi thì bùi bùi lá sung, chan chát lá ổi.

Vị đậm đà của tôm và thịt, vị cay nồng của hạt tiêu hay chua nhè nhẹ của thứ nước chấm đặc biệt tan dần giữa chất thanh mát của các loại rau, khiến người ăn có được cảm nhận thực sự khó quên. Chỉ có ở Kon Tum, nơi dòng Dak Bla trong xanh uốn mình dưới chân núi Ngọc Lĩnh hùng vĩ, mới thấy hết cái vị rất riêng biệt, rất cao nguyên của món ăn thú vị này.


2. Nai Nướng Thác Prenn

Khách tự trải thịt nai lên lá lốt rồi tự gói lại to nhỏ tùy ý sau lấy đũa gắp đặt lên mặt than hồng đợi cho màu lá táp vàng thì lật mặt sau nướng tiếp đợi chín. Bất ngờ hương vị nai nướng quyện vào mùi lá lốt chín sục thơm lúc nào không biết. Người ăn bỗng thấy thèm thuồng, rót vội một ly rượu đầu tiên nhấp một hớp nhỏ khai vị và không tìm được đũa ăn vội miếng nai thơm nóng bỏng rồi ngồi thừ ra ngây ngất để lặp lại quy trình nướng miếng nai khác.

Cứ thế bỏ vào miệng tùng miếng tái ngọt ngào, nhai nhỏ nhẻ rồi hớp một hớp rượu thơm ngồi ngẫm nghĩ suy tư cùng người bạn cố tri về điều cộng hưởng đậm ngọt của vị nai, vị dịu cay của ớt chín, vị mặn thơm của muối tiêu, vị hăng hăng của lá lốt, lá sả… tất cả gộp lại tổng hoà hương ngàn gió núi lẫn vào miếng ngon thuở nguyên sơ, thiết tưởng chỉ có được trong rừng thông Đà Lạt.


3. Phở khô Gia Lai

Một suất phở khô gồm 2 tô: 1 tô đựng bánh phở làm từ bột gạo xay. Bánh phở khi trụng nóng để làm phở không khô cứng như mường tượng mà còn mềm dai, nên cũng như phở tươi. Trên đó là thịt heo bằm nhỏ và hành phi thơm phức.

Tô thứ hai để đựng nước lèo với thịt bò tái, gân, bắp hoặc bò viên, trên mặt là hành ngò xắt nhỏ, rắc thêm chút tiêu đen, đơn giản thôi nhưng dậy mùi thơm hấp dẫn vô cùng. Rau ăn kèm với Phở Khô Gia Lai cũng đơn giản chỉ có xà lách, húng quế và giá trụng. Ngổ hay ngò gai đi theo cũng không hợp.

Ăn Phở Khô gần như là cái thú vì bạn tự gia giảm mặn nhạt theo khẩu vị của mình bằng tương nâu cùng nước tương. Là nước tương chứ không thể là nước mắm được vì nước mắm sẽ át đi mùi thơm của bánh phở. Cho thêm giá trụng vào tô, trộn bánh phở, giá với tương cho đều. Ăn 1 miếng mà đầy đủ cả: mùi thơm của phở, vị ngọt nhẹ của tương, giòn giòn của giá, gắp thêm miếng thịt chấm chút tương, húp thêm miếng nước lèo ngon ngọt. Lúc này, mới thấy Phở khô Gia Lai là gì.

4. Mật ong rừng Gia Lai
Mật ong ở Gia Lai có vị ngọt thanh, màu vàng sậm, người ta thường dùng mật ong như một vị thuốc trong đông y.

Đặc điểm :
1. Màu vàng óng ánh trong suốt đặc quánh, độ kết dính cao, có mùi thơm có màu vàng nhạt trông rất trong.
2. Có vị ngọt tinh khiết, không bị kết tinh.
3. Không bị nhiễm bất kỳ loại kháng sinh nào.
4. Có mùi đặc trưng của hoa rừng tràm.
5. Dùng một que tre sạch khuấy đều lên, nếu trong mật ong có trộn lẫn các chất khác thì bạn sẽ thấy màu đục hiện lên, còn mật ong chính hiệu thì không có hiện tượng ấy.
6. Bảo quản trong tủ lạnh không có hiện tượng đóng đường ở dưới chai.

5. Cá chốt Gia Lai


Cá chốt thuộc họ cá da trơn, thịt có màu vàng óng hoặc trắng, chỉ sống ở những khe đá tại khu vực nước chảy xiết, mực nước sâu từ 7 đến 7,5 m quanh lưu vực sông Ba và sông Ayun thuộc vùng đất phía Nam tỉnh Gia Lai.

Do đặc tính thích bơi ngược dòng nên thịt cá chốt vừa chắc, vừa dai lại thơm. Đặc biệt là phần da rất dai, vị béo ngậy.

Thưởng thức món cá chốt ngon nhất là vào khoảng tháng 8, tháng 9 âm lịch. Lúc này Tây Nguyên vào mùa lũ, nước chảy xiết nên cá chốt thường bơi ngược dòng. Món canh chua cá chốt rất ngọt, người dân cho rằng không loài cá nào sánh kịp. Để ăn với cơm, người ta thường kho tộ với mắm, tiêu (tiêu hạt xanh càng tốt), ớt, hành… Món này ăn với loại gạo dẻo của đồng bào J’rai bản địa thì chẳng còn chỗ nào để chê, nhất là trong những ngày giá rét.

Thế nhưng ngon nhất phải kể đến món cá chốt nướng. Chế biến món này người ta làm sạch vây, râu, ruột… rồi bỏ lên bếp than nướng. Bếp than phải thật đỏ nhưng không được quá đượm để khỏi cháy nhanh làn da cá, phải để cá chín từ từ mới ngon. Ăn kèm với cá chốt nướng là các loại rau sống, rau gia vị, bánh tráng và đặc biệt phải có muối é (một loại muối gồm ớt hiểm còn xanh, lá é, muối hạt sống được giã chung) hoặc muối kiến cỏ (ớt hiểm xanh, muối hạt sống, con kiến vàng, hạt một loại cỏ thơm do người đồng bào tìm ra), còn không thì cần muối kiến.

6. Rượu cần

Đối với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, rượu cần là một sản vật quý gắn liền với đời sống sinh hoạt, tâm linh. Tuy nhiên, loại sản vật quý này đang dần mai một trước nhiều loại bia, rượu ngoại thật, giả lẫn lộn. Dù vậy, tại tỉnh Đắk Nông, nhiều gia đình đồng bào dân tộc M’nông, dân tộc Mạ vẫn không quên "nghề" làm rượu cần.

Rượu cần thường được uống trong những dịp như đám cưới, đám hỏi, ma chay, tết, lễ hội, mừng thọ. Không những vậy, rượu cần còn được dùng trong lễ hội các dân tộc có quy mô lớn, uống rượu thể hiện sự bình đẳng trong cộng đồng. Đặc biệt, bên cạnh những chóe rượu không thể thiếu những món ăn truyền thống như cơm lam, thịt rừng nướng, cá nướng.

7. Cà phê Pleiku
Thành phố trẻ Pleiku có một vị trí địa lý khá đắc địa ở cao nguyên. Người ta hay gọi là “Phố núi”, “Thành phố sương mù”, “Thành phố cao nguyên”… Từ lâu Phố núi nơi này đã neo vào lòng du khách bởi vẻ đẹp đặc trưng và bản sắc văn hóa của nó. Nhớ về Pleiku người ta còn nhớ về cà phê. Khi đến Pleiku bạn sẽ ngạc nhiên, thú vị vì ở bất cứ con phố nào cũng có quán cà phê.

Sớm mai rét hay đêm sương giăng, một góc quán sofa êm ấm, một hông vườn lòa xòa cây bông, ghế mây tre, đèn nâu vàng ấm áp, một ven đường bạt dù xộc xệch, bụi đỏ lấm tấm mặt bàn ghế sờn cũ, khách uống cà phê ngồi mơ màng, rôm rả, trầm ngâm, cặm cụi… với ly cà phê đen sóng sánh. Có thể ai cũng từng đi nhiều nơi, thưởng thức cà phê của nhiều vùng miền khác nhau nhưng cái vị và hương đậm đà, ngầy ngậy và say của cà phê Phố núi cao nguyên, Phố núi sương giăng, Phố có em Pleiku “má đỏ môi hồng”, với thông, dốc cùng không gian bàn bạt gió, ngờm ngợp nắng mùa khô, lất phất, rả rích, xối xả mùa mưa… thì vẫn ghi dấu ấn trong lòng mỗi ai một lần tới nơi này.
Theo hangdacsan.net
Bình luận bạn đọc
  • Facebook Chỉ chấp nhận bình luận Tiếng Việt có dấu

Không có nhận xét nào :


Tiêu điểm

Thời Sự