Đặc trưng về Phong tục, tập quán, tín ngưỡng Việt Nam

Nước ta có một nền văn hóa đặc sắc và được thể hiện trên nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, bài viết này chỉ đề cập đến văn hóa Việt thông qua những phong tục, tập quán và tín ngưỡng của dân tộc. 

Phong tục, tập quán

Thứ nhất, vấn đề ĂN, MẶC

Người Việt vốn thiết thực, chuộng ăn chắc mặc bền. Đầu tiên là ăn, "có thực mới vực được đạo", "trời đánh còn tránh bữa ăn". Cơ cấu ăn thiên về thực vật, cơm rau là chính cộng thêm thuỷ sản. Luộc là cách nấu ăn đặc sắc của Việt Nam. Nhưng cách thức chế biến món ăn lại giầu tính tổng hợp, kết hợp nhiều chất liệu và gia vị. Ngày nay có nhiều thịt cá, vẫn không quên vị dưa cà.


Người Việt hay dùng các chất liệu vải có nguồn gốc thực vật, mỏng, nhẹ, thóang, phù hợp xứ nóng, với các sắc màu nâu, chàm, đen. Trang phục nam giới phát triển từ đóng khố ở trần đến áo cánh, quần ta (quần Tàu cải biến). 

Tuy nhiên, trang phục Việt sẽ có cải biến theo các giai đoạn và ngày càng cách tân. Nên cũng rất khó để có thể đánh giá đặc trưng về văn hóa mặc của người Việt.

Nữ giới xưa phổ biến mặc yếm, váy, áo tứ thân sau này đổi thành chiếc áo dài hiện đại. Nói chung, phụ nữ Việt Nam làm đẹp một cách tế nhị, kín đáo trong một xã hội "cái nết đánh chết cái đẹp". Trang phục cũ cũng chú ý đến khăn, nón, thắt lưng.

Thứ hai, vấn đề Ở và ĐI LẠI 

Ngôi nhà Việt Nam xưa gắn liền với môi trường sông nước (nhà sàn, mái cong). Sau đó là nhà tranh vách đất, lợp rạ, vật liệu chủ yếu là tre gỗ, không cao quá để chống gió bão, quan trọng nhất là hướng nhà thường quay về phía Nam chống nóng, tránh rét. 

Nhà cũng không rộng quá để nhường diện tích cho sân, ao, vườn cây. Vả lại, người Việt Nam quan niệm "rộng nhà không bằng rộng bụng". Các kiến trúc cổ bề thế thường ẩn mình và hoà với thiên nhiên.

Phương tiện đi lại cổ truyền chủ yếu là đường thuỷ. Con thuyền các loại là hình ảnh thân quen của cảnh quan địa lý - nhân văn Việt Nam, cùng với dòng sông, bến nước.

Thứ ba, vấn đề LỄ NGHI

Các phong tục hôn nhân, tang ma, lễ tết, lễ hội của Việt Nam đều gắn với tính cộng đồng làng xã. 

Hôn nhân xưa không chỉ là nhu cầu đôi lứa mà còn phải đáp ứng quyền lợi của gia tộc, gia đình, làng xã, nên kén người rất kỹ, chọn ngày lành tháng tốt, trải qua nhiều lễ từ giạm ngõ, ăn hỏi, đón dâu đến tơ hồng, hợp cẩn, lại mặt, và phải nộp cheo để chính thức được thừa nhận là thành viên của làng xóm. 

Tục lễ tang cũng rất tỉ mỉ, thể hiện thương xót và tiễn đưa người thân qua bên kia thế giới, không chỉ do gia đình lo mà hàng xóm láng giềng tận tình giúp đỡ.

Việt Nam là đất nước của lễ hội quanh năm, nhất là vào mùa xuân, nông nhàn. 

Các tết chính là tết Nguyên đán, tết Rằm tháng Giêng, tết Hàn thực, tết Đoan ngọ, tết Rằm tháng Bảy, tết Trung thu, tết Ông táo... 

Mỗi vùng thường có lễ hội riêng, quan trọng nhất là các lễ hội nông nghiệp (cầu mưa, xuống đồng, cơm mới...), các lễ hội nghề nghiệp (đúc đồng, rèn, pháo, đua ghe...). 

Ngoài ra là các lễ hội kỉ niệm các bậc anh hùng có công với nước, các lễ hội tôn giáo và văn hóa (hội chùa). Lễ hội có 2 phần, phần lễ mang ý nghĩa cầu xin và tạ ơn và phần hội là sinh hoạt văn hóa cộng đồng gồm nhiều trò chơi, cuộc thi dân gian.

Tín ngưỡng và tôn giáo


Thứ nhất, TÍN NGƯỠNG

Tín ngưỡng dân gian Việt Nam từ cổ xưa đã bao hàm: 

- Tín ngưỡng phồn thực
- Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên
- Tín ngưỡng sùng bái con người 

Con người cần sinh sôi, mùa màng cần tươi tốt để duy trì và phát triển sự sống, nên đã nảy sinh tín ngưỡng phồn thực. 

Ở Việt Nam, tín ngưỡng đó tồn tại lâu dài, dưới hai dạng biểu hiện

- Thờ sinh thực khí nam và nữ (khác với ấn Độ chỉ thờ sinh thực khí nam)
- Thờ cả hành vi giao phối (người và thú, ngay ở Đông Nam Á cũng ít có dân tộc thờ việc này). 

Dấu tích trên còn để lại ở nhiều di vật tượng và chân cột đá, trong trang trí các nhà mồ Tây Nguyên, trong một số phong tục và điệu múa, rõ nhất là ở hình dáng và hoa văn các trống đồng cổ.

Nông nghiệp trồng lúa nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố tự nhiên đã đưa đến tín ngưỡng sùng bái tự nhiên. 

Ở Việt Nam, đó là tín ngưỡng đa thần và coi trọng nữ thần, lại thờ cả động vật và thực vật. 

Một cuốn sách nghiên cứu (xuất bản năm 1984) đã liệt kê được 75 nữ thần, chủ yếu là các bà mẹ, các Mẫu (không những có Ông Trời, mà còn có Bà Trời tức Mẫu Cửu Trùng, ngoài ra là Mẫu Thượng Ngàn, Bà chúa Sông v.v...). 


Về thực vật được tôn sùng nhất là Cây lúa, sau đó tới Cây đa, Cây cau, Cây dâu, quả Bầu. Về động vật, thiên về thờ thú hiền như hươu, nai, cóc, không thờ thú dữ như văn hóa du mục, đặc biệt là thờ các loài vật phổ biến ở vùng sông nước như chim nước, rắn, cá sấu. 

Người Việt tự nhận là thuộc về họ Hồng Bàng, giống Tiên Rồng (Hồng Bàng là tên một loài chim nước lớn, Tiên là sự trừu tượng hóa một giống chim đẻ trứng, Rồng sự trừu tượng hóa từ rắn, cá sấu). Rồng sinh ra từ nước bay lên trời là biểu trưng độc đáo đầy ý nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Trong tín ngưỡng sùng bái con người, phổ biến nhất là tục thờ cúng tổ tiên, gần như trở thành một thứ tôn giáo của người Việt Nam (trong Nam bộ gọi là Đạo Ông Bà). 

Việt Nam trọng ngày mất là dịp cúng giỗ hơn ngày sinh. Nhà nào cũng thờ Thổ công là vị thần trông coi gia cư, giữ gìn hoạ phúc cho cả nhà. Làng nào cũng thờ Thành hoàng là vị thần cai quản che chở cho cả làng (thường tôn vinh những ngươì có công khai phá lập nghiệp cho dân làng, hoặc các anh hùng dân tộc đã sinh hay mất ở làng). 

Cả nước thờ vua tổ, có ngày giỗ tổ chung (Hội đền Hùng). 

Đặc biệt việc thờ Tứ Bất Tử là thờ những giá trị rất đẹp của dân tộc: Thánh Tản Viên (chống lụt), Thánh Gióng (chống ngoại xâm), Chử Đồng Tử (nhà nghèo cùng vợ ngoan cường xây dựng cơ nghiệp giầu có), bà Chúa Liễu Hạnh (công chúa con Trời từ bỏ Thiên đình xuống trần làm người phụ nữ khát khao hạnh phúc bình thường).

Mặc dù có trường hợp dẫn tới mê tín dị đoan, tín ngưỡng dân gian sống dẻo dai và hoà trộn cả vào các tôn giáo chính thống.

Thứ hai, TÔN GIÁO

* Phật giáo 

Tiểu thừa được du nhập trực tiếp từ ấn Độ qua đường biển vào Việt Nam khoảng thế kỉ 2 sau Công nguyên. Phật giáo Việt Nam không xuất thế mà nhập thế, gắn với phù chú, cầu xin tài lộc, phúc thọ hơn là tu hành thóat tục. 

Khi Phật giáo (Đại thừa) từ Trung Quốc vào nước ta, tăng lữ Việt Nam mới đi sâu hơn vào Phật học, nhưng dần hình thành những tôn phái riêng như Thiền Tông Trúc Lâm đề cao Phật tại tâm. 

Thời Lý-Trần, Phật giáo cực thịnh nhưng vẫn đón nhận cả Nho giáo, Lão giáo, tạo nên bộ mặt văn hóa mang tính chất "Tam giáo đồng nguyên" (cả ba tôn giáo cùng tồn tại). 

Qua nhiều bước thăng trầm, đạo Phật trở nên thân thiết với người Việt Nam, thống kê năm 1993 cho biết vẫn có tới 3 triệu tín đồ xuất gia và khoảng 10 triệu người thường xuyên vãn chùa lễ Phật.

* Nho giáo

Thời Bắc thuộc, Nho giáo chưa có chỗ đứng trong xã hội Việt Nam, đến năm 1070 Lý Thái Tổ lập Văn Miếu thờ Chu Công-Khổng Tử mới có thể xem là được tiếp nhận chính thức. 

Thế kỉ 15, do nhu cầu xây dựng đất nước thống nhất, chính quyền tập trung, xã hội trật tự, Nho giáo thay chân Phật giáo trở thành quốc giáo dưới triều Lê. 

Nho giáo, chủ yếu là Tống Nho, bám chắc vào cơ chế chính trị-xã hội, vào chế độ học hành khoa cử, vào tầng lớp nho sĩ, dần chiếm lĩnh đời sống tinh thần xã hội. Nhưng Nho giáo cũng chỉ được tiếp thụ ở Việt Nam từng yếu tố riêng lẻ - nhất là về chính trị-đạo đức, chứ không bê nguyên xi cả hệ thống.

* Đạo giáo

Đạo giáo thâm nhập vào Việt Nam khoảng cuối thế kỉ 2. Do thuyết vô vi mang tư tưởng phản kháng bọn thống trị, nó được người dân dùng làm vũ khí chống phong kiến phương Bắc. Nó lại có nhiều yếu tố thần tiên, huyền bí, nên hợp với tiềm thức con người và tín ngưỡng nguyên thuỷ. 

Nhiều nhà nho cũ mộ khuynh hướng ưa thanh tĩnh, nhàn lạc của Lão - Trang. Nhưng từ lâu Đạo giáo như một tôn giáo không tồn tại nữa, chỉ còn để lại di sản trong tin ngưỡng dân gian.

* Kito giáo

Kitô giáo đến Việt Nam vào thế kỉ 17 như một khâu môi giới trung gian của văn hóa phương Tây và của chủ nghĩa thực dân. 

Nó tranh thủ được cơ hội thuận lợi

- Chế độ phong kiến khủng hoảng
- Phật giáo suy đồi
- Nho giáo bế tắc

Trở thành chỗ an ủi tinh thần cho một bộ phận dân chúng nhưng trong một thời gian dài không hoà đồng được với văn hóa Việt Nam. 

Trái lại, nó buộc phải để giáo dân lập bàn thờ trong nhà. Chỉ khi hoà Phúc âm trong dân tộc, nó mới đứng được ở Việt Nam. Năm 1993 có khoảng 5 triệu tín đồ công giáo và gần nửa triệu tín đố Tin Lành.

Các tôn giáo bên ngoài du nhập vào Việt Nam không làm mất đi tín ngưỡng dân gian bản địa mà hoà quyện vào nhau làm cho cả hai phía đều có những biến thái nhất định. 

Ví dụ Nho giáo không hạ thấp được vai trò người phụ nữ, việc thờ Mẫu ở Việt Nam rất thịnh hành. 

Tính đa thần, dân chủ, cộng đồng được thể hiện ở việc thờ tập thể gia tiên, thờ nhiều cặp thần thánh, vào một ngôi chùa thấy không chỉ thờ Phật mà thờ cả nhiều vị khác, thấn linh có mà người thật cũng có. 

Và có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có chuyện con cóc kiện cả ông Trời, cũng như môtíp người lấy tiên trong các chuyện cổ tích. Đây chính là những nét riêng của tín ngưỡng Việt Nam.
Bình luận
  • Bình luận Chấp nhận bình luận Tiếng Việt có dấu
  • Facebook Comment using Facebook

2 nhận xét :

  1. ước gì có tên cuốn sách để tìm đọc :((

    Trả lờiXóa
  2. có quyển cơ sở văn hóa Việt Nam đó b. Khá đầy đủ nội dung này

    Trả lờiXóa


Tiêu điểm

Thời Sự